Quy chế chuyên môn 2018-2019

Tháng Tư 2, 2019 10:33 sáng

PHÒNG GD&ĐT VỤ BẢN
TRƯỜNG THCS MINH THUẬN CỘNG HÒA XÃ HỌI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Minh Thuận, ngày 10 tháng 9 năm 2018

QUY CHẾ CHUYÊN MÔN
NĂM HỌC 2018-2019

Căn cứ Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quy định Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trung học cơ sở theo Thông tư số 12/2009/TT-BGDĐT ngày 12/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quy chế Công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT ngày 07/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quy định về Tiêu chuẩn đánh giá trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành theo Thông tư số 13/2012/TT-BGDĐT ngày 06/4/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT;
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tế của nhà trường;
Xét đề nghị của chuyên môn,
Trường THCS Minh Thuận hướng dẫn quy định về hồ sơ và cụ thể hóa nội dung trong các Quy định về chuyên môn như sau:
A/ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ NẾN NẾP CHUYÊN MÔN.
1. Chế độ làm việc đối với giáo viên và cán bộ quản lý: (Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9/6/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
– Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần; Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần;
– Giáo viên là 19 tiết/tuần;
Chế độ giảm định mức tiết dạy và quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy thực hiện như quy định trong Thông tư.
Lưu ý: khi xếp thời khóa biểu không bố trí cho giáo viên nghỉ quá 01 ngày/tuần.
2. Quy định trang phục của cán bộ, giáo viên, nhân viên:
– Sáng thứ hai: sơ mi trắng, quần âu (chân váy) đen; GV Thể dục áo phông trắng
– Các ngày khác: Trang phục khi đến trường phải gọn gàng, lịch sự, phù hợp với môi trường giáo dục, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học.
– Ngày lễ: mặc lễ phục hoặc đồng phục nhà trường theo thống nhất
3. Quy định về thực hiện bài giảng ứng dụng CNTT, dự giờ, thăm lớp:
– Gv sử dụng các phần mềm dạy học trên máy chiếu ít nhất 1 tiết/ tuần (giáo án thể hiện rõ nội dung sử dụng máy), giáo viên tích cực khai thác tài nguyên trên mạng phục vụ dạy học để tiết học đạt hiệu quả cao nhất.
– Máy tính có nối mạng và máy in ở phòng HĐSP phục vụ cho GV dạy và học tại trường, không sử dụng cho công việc cá nhân.
– Dự giờ trong năm học:
+ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng dự giờ ít nhất 01 tiết/01 giáo viên;
+ Tổ trưởng, tổ phó dự giờ giáo viên ít nhất 04 tiết/01 giáo viên.
+ Giáo viên hội giảng hoặc dạy chuyên đề ít nhất 02 bài (có ứng dụng CNTT)
+ GV dự giờ đồng nghiệp: ít nhất 18 tiết (GV mới dự giờ: 1 tiết/ tuần)
4. Quy định cụ thể từng loại hồ sơ.
4.1. Giáo án
*Giáo án
– Viết (in) trên khổ giấy A4, có nhãn vở đúng quy định của nhà trường.
– Phải có KHDH và chế độ kiểm tra cho điểm cùng các vấn đề đính chính, điều chỉnh (nếu có) ở các trang đầu của mỗi quyển giáo án.
– Ghi rõ ngày tháng năm soạn dạy.
– Ghi rõ nội dung sử dụng máy chiếu, bảng phụ, tranh ảnh… trong giáo án
– Sau mỗi tiết dạy đều có phần rút kinh nghiệm kèm theo ở cuối giáo án.
– Khi lên lớp phải có giáo án dạy, khi có dự giờ Gv phải trình giáo án cho người dự sau tiết dạy để rút kinh nghiệm.
– Giáo án viết tay đối với giáo viên chưa đủ 3 năm trong nghề, giáo viên nhận chuyên môn khối mới.
– Các giáo viên sau 3 năm được sử dụng giáo án đánh máy với môn, khối đã dạy nhưng có nội dung bổ sung.
– BGH hoặc tổ trưởng CM kiểm tra giáo án và nhận xét trực tiếp vào cuối trang theo thời điểm kiểm tra.
– Không soạn, in giáo án trước quá một tuần.
– Đối với các tiết kiểm tra 45’ và HK: có ma trận, đề, hướng dẫn chấm, kết quả, nhận xét, rút kinh nghiệm ( đề, kỹ năng, kiến thức của HS ) và ký duyệt đề của tổ trưởng.
– Giáo án được ký duyệt vào thứ 6, thứ 7 hàng tuần; quan tâm bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mới ra trường bằng việc góp ý qua giáo án cho giáo viên trước khi lên lớp.
4.2. Sổ điểm cá nhân:
– Ghi đầy đủ và đúng danh sách học sinh.
– Mỗi bộ môn của một lớp được thể hiện trên cùng một trang hoặc các trang liên tiếp.
– Việc vào điểm phải đúng kết quả kiểm tra của học sinh, đúng cột điểm.
– Việc cập nhật điểm phải thực hiện thường xuyên. (Cả việc cập nhật vào Sổ điểm tử smas)
– Cơ số điểm cần thực hiện theo quy định chế độ kiểm tra cho điểm của từng bộ môn, và theo kế hoạch của nhà trường.
– Khi có sự sai sót cần sửa chữa theo đúng quy định.
– Việc tính điểm thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
4.3. Sổ kế hoạch giảng dạy, dự giờ và sinh hoạt chuyên môn:
– Ghi đầy đủ nội dung các cột mục theo quy định.
– Chậm nhất sáng thứ hai: giáo viên báo giảng cho tuần tiếp theo và để tại tủ văn phòng
– Nếu ngày nào đó nghỉ mà có tiết dạy cần ghi chú rõ ràng chuyển sang những ngày tiếp theo (ở cột cuối cùng của lịch)
– Khi dự giờ cần phải ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu.
– Khi dự xong cần có nhận xét và đánh giá. Việc cho điểm cần cụ thể theo từng mục để đánh giá cho sát thực tế.
– Thực hiện nghiêm túc việc dự giờ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
– Ghi chép đầy đủ nội dung các cuộc họp hội đồng triển khai việc học tập chính trị, công tác của nhà trường, công tác chuyên môn, công tác công đoàn, họp tổ, nhóm chuyên môn,…
– Lưu công văn chỉ đạo chuyên môn của các cấp.
4.4. Sổ chủ nhiệm:
– Ghi đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của sổ; cập nhật thường xuyên những thông tin liên quan, theo dõi các hoạt động, theo dõi hạnh kiểm – học lực hàng tháng,
4.5. Sổ đầu bài:
* Trách nhiệm học sinh giữ Sổ đầu bài.
– Nhận – trả sổ đầu bài vào đầu và sau các buổi học tại văn Phòng; HS có nhiệm vụ ghi các mục: ngày tháng, tuần, thứ, tiết, môn, tên bài, HS vắng mặt.
– Không được tự tiện giao cho bất cứ ai giữ Sổ đầu bài nếu không được sự đồng ý của GVCN.
– Bảo quản, giữ gìn sổ đầu bài từ khi nhận đến khi bàn giao cho Văn phòng.
* Trách nhiệm của giáo viên:
– GVBM có nhiệm vụ ghi nội dung nhận xét sơ lược và đánh giá về tiết dạy và kí sau mỗi tiết dạy. Theo dõi việc ghi chép của học sinh trong giờ, bộ môn của mình.(đảm bảo ghi chép đánh giá nhận xét phải cập nhật)
– GVCN cử 1 học sinh có khả năng ghi chép và giữ Sổ đầu bài, ký, nhận xét cuối tuần; hướng dẫn HS ghi sổ và tổng kết điểm, báo cáo kết quả cuối tuần cho TPT, quản lí sổ, theo dõi việc thực hiện giờ dạy của lớp mình nếu có hiện tượng bất thường (tẩy xóa, thay trang,…) báo cáo trực tiếp với BGH. Sau mỗi tuần không có báo cáo, mọi vấn đề liên quan đến sổ đầu bài của lớp nào GVCN lớp đó phải chịu trách nhiệm.
* Trách nhiệm văn phòng:
– Giao nhận sổ hàng ngày cho học sinh (có kí xác nhận). Chịu trách nhiệm bảo quản, giữ gìn sổ trong thời gian sổ tại Văn phòng. Bọc bìa, làm nhãn sổ trước khi đưa vào sử dụng.
– Cuối học kì I, cuối năm thu – nhận sổ, bảo quản, lưu giữ sổ.
* Trách nhiệm của phó Hiệu trưởng:
Kiểm tra, kí và nhận xét sổ hàng tuần để đánh giá thi đua và ý thức của từng lớp, từng GV khi thực hiện chuyên môn và nền nếp.
* Trách nhiệm của GV lớp trực tuần:
Kiểm tra, tổng hợp và đánh giá xếp thứ, loại thi đua và ý thức của từng lớp, từng GV khi thực hiện chuyên môn và nền nếp.
4.6. Quy định sử dụng Sổ điểm điện tử SMams:
* Trách nhiệm của giáo viên:
– GVBM có nhiệm vụ vào điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì hàng ngày Quản lí, chịu trách nhiệm về điểm của mình.
– GVCN điền đầy đủ thông tin trong phần mềm, cập nhật số học sinh nghỉ hàng ngày. Nhận xét đánh giá học sinh sau học kì và cuối năm.
* Trách nhiệm của văn phòng:
– Hỗ trợ giáo viên trong quá trình sử dụng phần mềm
– Tư vấn cho BGH trong quản lý sử dụng sổ điện tử
* Trách nhiệm của Ban giám hiệu:
– Kiểm tra thường xuyên, theo dõi việc sử dụng của giáo viên, văn phòng.
5. Quy định về thực hiện tiết dạy trên lớp:
1. Chuẩn bị chu đáo trước khi lên lớp.
2. Ra vào lớp đúng giờ, vào muộn hoặc ra sớm quá 5 phút ( không có lý do chính đáng) được tính như nghỉ tiết dạy không có lý do.
3. Trước mỗi tiết học giáo viên phải kiểm tra sĩ số, trực nhật, vệ sinh, trang phục và các quy định cần thiết của nhà trư¬ờng.
4. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đã giao trước từ 1 đến 3 học sinh, thời gian kiểm tra từ 5 đến 7 phút.
5. Tư thế, trang phục chỉnh tề, không mặc hở hang phản cảm; không sử dụng điện thoại di động; không ra khỏi lớp (trong các trường hợp cần thiết phải báo cáo BGH); không hút thuốc, không uống bia, rượu khi lên lớp.
6. Chịu trách nhiệm quản lý học sinh, điểm danh, ghi tên học sinh vắng từng tiết học vào sổ đầu bài. Nhận xét đánh giá tiết học theo đúng quy định.
7. Trong giờ dạy không được cho học sinh ra ngoài (trừ trường hợp đặc biệt). Không thi hành kỉ luật học sinh bằng các hình thức gây tổn thương tâm lý, xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh.
8. Kết thúc giờ dạy giáo viên giành 3 – 5 phút củng cố và hướng dẫn học sinh làm việc ở nhà; công khai các lỗi vi phạm, phê rõ các ưu điểm, khuyết điểm và xếp loại giờ học vào sổ đầu bài. Những lỗi vi phạm nặng phải báo giáo viên chủ nhiệm xử lý theo quy định và trực tiếp phản ánh với Ban giám hiệu nhà trường.
9. Hoàn thành tiết dạy đúng thời gian quy định. Trường hợp đặc biệt phải nói rõ trước học sinh kế hoạch dạy tiếp theo.
6. Quy định về Kiểm tra, Chấm, trả bài kiểm tra:
Kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh: Thực hiện theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông:
1. Số lần kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ từng môn học theo quy định của Quy chế đánh giá xếp loại học sinh. Kiểm tra định kì theo kế hoạch dạy học đã dược phê duyệt, các trường hợp đặc biệt báo cáo xin ý kiến BGH.
2. Các bài kiểm tra phải đáp ứng yêu cầu đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh. Tuyệt đối không để học sinh quay cóp, gian lận trong khi làm bài kiểm tra.
3. Bài kiểm tra phải chấm cẩn thận, sửa chữa sai sót cho học sinh. Bài kiểm tra thường xuyên trả chậm nhất là sau 1 tuần, bài kiểm tra định kì trả chậm nhất sau 10 ngày. Riêng đối với môn có tiết theo KHDH phải trả theo đúng quy định.
4. Kết quả học tập của học sinh được giáo viên bộ môn trực tiếp vào Sổ Gọi tên ghi điểm hàng ngày trước sự chứng kiến của học sinh.
5. Học sinh nào không được dự kiểm tra thì giáo viên bố trí cho học sinh kiểm tra bù. Nghiêm cấm việc cấy điểm cho học sinh.
6. Thường xuyên kiểm tra vở ghi, vở bài tập để đánh giá được tinh thần thái độ học tập của học sinh.
7. Giáo viên bộ môn có trách nhiệm vào điểm sổ điểm cá nhân, sổ điểm điện tử ( vào 25 hàng tháng). Vào điểm: Bảo đảm tính chính xác, kịp thời.
– Hạn chế tới mức thấp nhất việc sửa chữa
7. Thực hiện chương trình và TKB
– Chương trình: Đảm bảo đúng KẾ HOẠCH DẠY HỌC tổ nhóm thống nhất và BGH đã phê duyệt; đảm bảo tiến độ theo tuần.
– TKB: Thực hiện nghiêm túc các tiết dạy trong thời khóa biểu. (Khi có điều chỉnh phải thể hiện trong giáo án, sổ báo giảng và sổ đầu bài).
– Giáo viên dạy chậm chương trình phải báo cáo với BGH, tổ trưởng về kế hoạch dạy bù, đăng kí và được phê duyệt mới được dạy bù. Phó hiệu trưởng có sổ Theo dõi dạy bù riêng.
8. Quy định về Dự giờ, thao giảng
1. Hàng tháng thực hiện dự giờ tối thiểu: theo quy định (giáo viên tối thiểu 18 tiết/năm, tổ trưởng dự 4 tiết/GV, BGH dự 1tiết /GV)
2. Sau khi dự giờ phải trao đổi, rút kinh nghiệm và đánh giá giờ dạy theo quy định.
3. Các giờ thao giảng, chuyên đề giáo viên bắt buộc phải đi dự để trao đổi chuyên môn.
4. Mỗi giáo viên thao giảng tối thiểu 2 tiết/học kì. Đăng kí dạy thao giảng với tổ chuyên môn trước 1 tuần.

9. Quy định về Tự bồi dưỡng:
Mỗi người đều phải luôn luôn nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dường chuyên môn nghiệp vụ, đúc rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao hiệu quả giảng dạy và công tác.
Khuyến khích học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ…
10. Quy định về Việc sử dụng đồ dùng và các thiết bị dạy học, tham gia công tác viên thư viện
Khi mượn đồ dùng dạy học GV phải có kế hoạch mượn trước 2 ngày (đăng kí với CBTB), khi sử dụng đồ dùng xong phải trả ngay cho CBTV;
Cần phải sử dụng và khai thác triệt để các loại đồ dùng dạy học sẵn có tránh tình trạng dạy chay.
Sử dụng máy chiếu thường xuyên trong các tiết dạy, đảm bảo hiệu quả tiết dạy
Khuyến khích giáo viên sử dụng đồ dùng tự làm và các trang bị hiện đại, phần mềm CNTT phục vụ cho việc dạy học.
Tích cực sử dụng tài liệu tham khảo, tham gia tích cực việc cộng tác viên thư viện.
Nghiêm túc và tích cực sử dụng phòng học bộ môn để nâng cáo chất lượng dạy học.
11. Quy định về Nền nếp và chế độ thông tin báo cáo:
a. Quy định về nền nếp công tác
– Lên lớp, đi học, sinh hoạt đúng ngày, giờ quy định. Nếu nghỉ phải làm đơn xin phép trước 2 ngày, nếu ốm đau đột xuất phải báo kịp thời ngay với BGH và tổ CM để sắp xếp giáo viên dạy thay;
– Khi được điều động làm thay các công việc của đồng nghiệp cần nghiêm túc thực hiện một cách có hiệu quả.
– Trong buổi họp, học chính trị… không nói chuyện, không làm việc riêng, không sử dụng điện thoại,… và cần ghi chép nội dung hoặc học tập cẩn thận;
– Tích cực tham gia góp ý, đề xuất trong quá trình thảo luận, góp ý;
– GV khi lên lớp không được uống rượu, bia, thuốc lá. Phải tôn trọng học sinh.
– Đến trường phải mặc trang phục mô phạm, đúng quy định.
b. Quy định về Chế độ thông tin, báo cáo:
– Thông tin: Khi có việc đột xuất, ốm đau cần phải báo cáo với Ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn kèm theo nội dung công việc cần giúp đỡ để kịp thời phân công người làm thay. Thường xuyên giữ liên lạc qua điện thoại với nhà trường (kể cả ngày nghỉ). Nếu có cuộc gọi nhỡ của BGH, Tổ trưởng, Công đoàn,… phải chủ động liên lạc lại.
– Nộp các loại báo cáo đúng hạn, tuyệt đối chính xác theo yêu cầu. Cán bộ, giáo viên được giao nhiệm vụ nộp báo cáo lên cấp trên, trước và sau khi nộp phải báo cáo báo lãnh đạo.
12. Quy định về Quản lí học bạ:
a. Trách nhiệm của giáo viên:
– GVBM có nhiệm vụ ghi kết quả học tập của học sinh sau mỗi học kì, trước khi kết thức năm học. Trừ trường hợp GVBM có đề nghị và GVCN đồng ý ghi thay, nhưng GVBM đó vẫn phải chịu trách nhiệm về phần ghi điểm của môn mình;
– GVCN ghi đầy đủ thông tin trong sổ, nhận xét ý thức rèn luyện phấn đấu của học sinh trong học bạ vào cuối năm học. Nhận xét phải đầy đủ về ý thức thực hiện nề nếp, nhận thức, danh hiệu,… của học sinh. Theo dõi việc vào điểm của lớp mình nếu có hiện tượng bất thường (thất lạc, tẩy xóa, thay trang,…) báo cáo trực tiếp với BGH.
b. Trách nhiệm văn phòng:
– Giao học bạ vào đầu năm học. Sau khi GVCN cập nhật thông tin học, văn phòng nhận học bạ, bảo quản và giao cho GVCN cuối học kì I, cuối năm. Lưu giữ học bạ hàng năm.
c. Trách nhiệm của Ban giám hiệu:
– Kiểm tra thường xuyên, theo dõi việc sử dụng và bảo quản học bạ. kí đầu năm, phê duyệt cuối năm học.
13. Quy định về Phụ đạo hướng dẫn ôn tập, ôn thi, kiểm tra bồi dưỡng học sinh giỏi:
– GV được phân công phụ đạo, hướng dẫn ôn tập, ôn thi cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bám sát đề cương đã thống nhất chương trình của bộ môn, tận tình giảng dạy và giáo dục để nâng cao chất lượng bộ môn góp phần hoàn thành tốt chỉ tiêu nhiệm vụ của nhà trường;
– GVBM phải có trách nhiệm, và có kế hoạch bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém bộ môn để từng bước học sinh có tiến bộ; phối hợp chặt chẽ với GVCN để hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học, yếu kém lưu ban cuối năm. Kết quả bài thi học kỳ, chất lượng cuối kì, cuối năm là cơ sở để đánh giá kết bồi dưỡng, phụ đạo của giáo viên.
– GV được phân công bồi dưỡng HS giỏi: tích cực đầu tư nghiên cứu, tham khảo tài liệu, có phương pháp giảng dạy hướng dẫn phù hợp đối với học sinh góp phần làm tốt công tác bồi dưỡng HSG của nhà trường.
– Mọi giáo viên phải tích cực vận động, tuyên truyền học sinh tham gia các lớp tự nguyện học tập theo nhu cầu.
– Việc phụ đạo cho học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm của giáo viên. Bên cạnh đó, nhà trường có kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học. Những giáo viên chưa dạy đủ số tiết theo quy định phải tham gia phụ đạo học sinh yếu kém (chủ yếu các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh) hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi.
– Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình cụ thể, lựa chọn giáo viên có năng lực, có tinh thần trách nhiệm thực hiện công tác phụ đạo cho học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi.
14. Quy định về Coi, chấm kiểm tra, học kỳ, ra đề thi:
GV được phân công coi, chấm kiểm tra học kỳ, ra đề kiểm tra … phải chấp hành đúng giờ, ngày theo quyết định; nghiên cứu và học tập quy chế nghiêm túc; góp phần đảm bảo sự nghiêm túc, công bằng, khách quan. Trên cơ sở đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng và uy tín giáo dục đào tạo của nhà trường.
15. Dạy học tự chọn:
Thực hiện theo đúng Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học cơ sở năm học 2018 – 2019, phải xếp thời khoá biểu dạy tự chọn trong thời gian dạy chính khoá buổi sáng. Yêu cầu giáo viên bộ môn xây dựng Kế hoạch dạy theo chuyên đề; trong mỗi chuyên đề phải định ra được các yêu cầu về nội dung, kỹ năng theo yêu cầu nhận thức: Nhận biết? Thông hiểu? Vận dụng? Mỗi chuyên đề có thể chia thành nhiều tiết dạy, khi soạn bài thực hiện nghiêm túc cấu trúc của 1 giáo án.
16. Dạy thêm – Học thêm:
– Thực hiện nghiêm túc Quy định về việc dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Nam Định và Giấy phép của Phòng GD&ĐT Vụ Bản về việc tổ chức dạy thêm, học thêm năm học 2018- 2019.
17. Quy định về việc Sinh hoạt tổ chuyên môn:
– Định kì 2 lần/tháng. (Tổ trưởng ghi các nội dung khái quát mang tính chất chỉ đạo CM, giáo viên ghi chi tiết nội dung sinh hoạt CM vào sổ bồi dưỡng CM)
– Đột xuất: Tổ trưởng triển khai họp và sinh hoạt CM đột xuất tùy theo tính chất công việc.
– Mỗi năm học các tổ phải thực hiện tối thiểu 2 chuyên đề và 1 hoạt động ngoại khóa một cách có hiệu quả thiết thực và được áp dụng ngay vào công việc giáo dục của tổ chuyên môn.
– Kiểm tra hồ sơ chuyên môn, ít nhất 3 lần/năm.
– Hàng tháng tổ trưởng, tổ phó kiểm tra việc thực hiện chương trình trong tháng của các thành viên. Xử lý các trường hợp thực hiện không đúng quy chế chuyên môn. Khi kiểm tra cần có hồ sơ minh chứng. Dự giờ, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ
Tổ trưởng, tổ phó bộ môn phải thường xuyên dự giờ, nhận xét, góp ý cho các tổ viên. Số tiết dự tối thiểu 4 tiết /1 giáo viên/năm
– Ngoài các tiết thao, hội giảng, mỗi giáo viên phải dự giờ đồng nghiệp tối thiểu 18 tiết / năm học.
– Kiểm tra nội bộ: Tổ lên kế hoạch cụ thể: tên giáo viên được kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên môn, thời gian thực hiện và dự kiến người dự giờ. Kế hoạch kiểm tra phải thể hiện trên Kế hoạch hoạt động của tổ ngay từ đầu năm. Đảm bảo tối thiểu 100% giáo viên trong tổ được kiểm tra.
– Tổ trưởng tổng hợp hồ sơ kiểm tra chuyên môn hàng tháng và hồ sơ kiểm tra toàn diện nộp về Hiệu trưởng vào cuối các tháng, Hồ sơ phải có biên bản tổng kết, đánh giá hoạt động kiểm tra của tổ.
– Chế độ báo cáo: Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các yêu cầu về báo cáo theo quy định: kịp thời, đầy đủ, chính xác. Cá nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của báo cáo trước tổ trưởng, tổ trưởng chịu trách nhiệm trước BGH.
– Xây dựng thư viện giáo án và đề kiểm tra đưa lên trường học kết nối và trang mạng nhà trường: Sau mỗi giờ thao giảng, tổ rút kinh nghiệm, giáo viên trực tiếp giảng dạy điều chỉnh lại giáo án, thiết kế gửi về Tổ. Hàng tháng, hàng kì tổ chuyên môn thống nhất cấu trúc đề của mỗi bài kiểm tra (định kì, thường xuyên) giao cho giáo viên xây dựng. Mỗi bài kiểm tra yêu cầu tối thiểu phải có nhiều đề tùy theo số lớp và số GVBM dạy ở mỗi khối lớp. Đề kiểm tra phải ghi rõ lần kiểm tra thứ mấy trong học kỳ, sau đó nộp về tổ trưởng. Hàng tháng, Tổ trưởng chuyên môn có nhiệm vụ chỉ đạo việc đưa các nội dung trên lên trường học kết nối và trang mạng nhà trường.
– Thực hiện ngày, giờ công: Thực hiện đầy đủ và có chất lượng ngày, giờ công theo quy định kể cả các sinh hoạt tập thể và hội họp.
+ Các trường hợp nghỉ theo chế độ (ốm, thai sản, ma chay, cưới hỏi…) phải có đơn xin nghỉ và phải bàn giao chuyên môn cho tổ chuyên môn.
+ Các trường hợp hội họp, chuyên đề hoặc tham gia theo sự trưng tập của các cấp quản lý phải báo cáo Ban giám hiệu và bàn giao chuyên môn đối với tổ chuyên môn, đối với các bộ môn mà trong tổ không bố trí được người dạy thay thì CB, GV được cử đi phải có trách nhiệm hoàn thành chương trình sau khi kết thúc đợt trưng tập hoặc chuyên đề.
+ Các trường hợp nghỉ việc riêng khác cá nhân phải tự nhờ đồng nghiệp dạy thay, có đơn và có sự đồng ý của người dạy thay nộp cho BGH và phải được sự đồng ý của BGH mới được nghỉ. Song lưu ý là chỉ áp dụng cho từng trường hợp cụ thể không được lạm dụng để đổi công và nghỉ kéo dài.
B/ QUY ĐỊNH VỀ HỆ THỐNG HỒ SƠ SỔ SÁCH
I. HỒ SƠ GIÁO VIÊN
STT Các loại sổ Người kiểm tra Thời gian kiểm tra
11 Sổ điểm điện tử của các lớp Hiệu trưởng Chiều 28 hàng tháng
2 Sổ sách Công đoàn, Đoàn, Đội Hiệu trưởng Chiều 28 hàng tháng
3 Sổ chủ nhiệm (đối với GVCN ) Hiệu phó Chiều 28 hàng tháng
4 Sổ ghi đầu bài (Sáng+DTHT) Hiệu phó Chiều thứ hai hàng tuần
5 Kế hoạch giảng dạy, dự giờ và SHCM Hiệu phó Chiều thứ hai hàng tuần
6 Sổ điểm cá nhân Hiệu phó Chiều 28 hàng tháng
7 Giáo án (sáng, DTHT, HĐNGLL, HSG…) BGH Chiều thứ hai hàng tuần

II. HỆ THỐNG HỒ SƠ CỦA NHÀ TRƯỜNG
STT Các loại sổ Người thực hiện Người kiểm tra
1. Sổ đăng bộ GV và HS Đ/c Nguyễn Thị Tuyết Hiệu trưởng
2. Sổ theo dõi học sinh chuyển đi, chuyển đến Đ/c Đinh Thị Như Tuyết Hiệu trưởng
3. Sổ theo dõi phổ cập giáo dục Đ/c Đinh Thị Như Tuyết Hiệu trưởng
4. Sổ gọi tên và ghi điểm (in từ phần mềm) Đ/c Đinh Thị Như Tuyết Hiệu trưởng
5. Học bạ học sinh Đ/c Đinh Thị Như Tuyết Hiệu trưởng
6. Hồ sơ giáo dục đối với học sinh khuyết tật Đ/c Hiệp Hiệu trưởng
7. Hồ sơ theo dõi sức khỏe học sinh. Đ/c Hiệp Hiệu trưởng
8. Sổ quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ Đ/c Tuyết Hiệu trưởng
9. Sổ nghị quyết của nhà trường Đc Nguyễn Thị Tuyết Hiệu trưởng
10. Hồ sơ thi đua (kế hoạch, chỉ tiêu, kết quả thực hiện) CTCĐ Hiệu trưởng
11. Hồ sơ kiểm tra, đánh giá giáo viên và nhân viên Hiệu phó Hiệu trưởng
12. Hồ sơ kỷ luật HS Hiệu phó Hiệu trưởng
13. Sổ quản lý và hồ sơ lưu trữ các văn bản, công văn đi, đến Đc Nguyễn Thị Tuyết Hiệu trưởng
14. Sổ quản lý tài sản, thiết bị giáo dục Đc Nguyễn Thị Tuyết Hiệu trưởng
15. Sổ quản lý tài chính Đc Hằng Hiệu trưởng
16. Sổ tiếp công dân Đc Thất Hiệu trưởng
17. Sổ theo dõi đơn thư Đc Nguyễn Thị Tuyết Hiệu trưởng
18. Hồ sơ quản lý thư viện Đ/c Quyên Hiệu phó
19. Sổ ghi đầu bài Đ/c Nguyễn Thị Tuyết Hiệu phó

IV. Hiệu lực thi hành:
Quy định này được thực hiện từ năm học 2018-2019 tại trường THCS Minh Thuận. Trên đây là những phần hướng dẫn thực hiện quy định chuyên môn và quy định chung của nhà trường về nền nếp chuyên môn. Trong những trường hợp cụ thể sẽ có sự bổ sung và hướng dẫn thêm. Với tinh thần đoàn kết, nhất trí và cộng đồng trách nhiệm. Đề nghị cán bộ, giáo viên, nhân viên trong hội đồng nghiêm túc thực hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng đi lên. Những CB-GV- NV vi phạm Quy định bị thi hành kỷ luật theo quy định hiện hành./.

Nơi nhận:
– BGH nhà trường;
– Các tổ chuyên môn;
– Các bộ phận;
– Lưu: VT.

HIỆU TRƯỞNG

Muộn Văn Thất